Công trình nước sạch vài tỷ biến thành nơi trồng chuối


Trước thực trạng hàng ngàn hộ dân của huyện Gia Viễn thường xuyên phải sử dụng nguồn nước ôi nhiễm. UBND huyện Gia Viễn đã ngay lập tức đầu tư hàng chục tỷ đồng từ dự án phân lũ, chậm lũ  để xây dựng các công trình nước sạch.


Theo đó, 21 xã của huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đều được phê duyệt đề án xây dựng các công trình nước sạch phục vụ cho người dân. Trung bình mỗi công trình từ 5-10 tỷ đồng được lấy từ nguồn ngân sách trung ương.


Nhiều xã trên địa bàn huyện các công trình này đã xây dựng xong và đưa sử dụng gần 10 năm qua. Tuy nhiên còn một số công trình xây dựng dở dang rồi bỏ hoang cho tới nay. Tiêu biểu nhất là công trình nước sạch ở xã Gia Phương bị bỏ hoang đã 6 năm nay và trở thành nơi trồng chuối của nhiều hộ dân quanh đó.




Công trình nước sạch xã Gia Phương nhìn giống vườn chuối hơn là công trình nước sạch.
Công trình nước sạch xã Gia Phương nhìn giống vườn chuối hơn là công trình nước sạch.

Bà Đinh Thị Toán ở thôn Văn Hà, xã Gia Phương cho biết: “Hiện nay gia đình chủ yếu sử dụng nước mưa cho sinh hoạt do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Mùa mưa thì đủ nước dùng, còn lại quanh năm thiếu nước và phải mua nước về dùng từ nhiều năm nay”.


Dự án công trình nước sạch của xã Gia Phương được bắt đầu khởi công xây dựng năm 2006 có tổng mức đầu tư ban đầu là 4 tỷ đồng.  Dự kiến khi đi vào hoạt động công trình sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 1.000 hộ dân với 5.000 nhân khẩu của xã. Nhưng đến năm 2010 công trình ngường thi công, bỏ hoang cho đến giờ mặc cho nắng mưa hủy hoại.


“Chỉ xây dựng được ít năm, đến năm 2010 thì công trình ngừng thi công, nhìn từ bên ngoài vào thì giống như vườn chuối chứ chẳng ai biết đó là công trình nước sạch. Đường ống dẫn nước đã thi công nhưng cũng để đấy, thật là lãng phí” – một số người dân bất bình cho biết.




Chỉ xậy dựng được phần thô như tường bao, nhà điều hành, bể nước... sau đó bị bỏ hoang mặc cho nắng mưa hủy hoại.
Chỉ xậy dựng được phần thô như tường bao, nhà điều hành, bể nước… sau đó bị bỏ hoang mặc cho nắng mưa hủy hoại.

Được biết công trình nước sạch của xã Gia Phương có mức đầu tư ban đầu là 4 tỷ đồng, sau năm 2010 được đẩy lên khoảng 8 tỷ đồng do chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Do không đủ kinh phí nên công trình đó bỏ hoang cho đến nay và mới hoàn thành được một số hạng mục như bể nước, nhà bảo vệ, khuôn viên tường bao, đặt đường ống dẫn nước về 6 thôn trong xã.


Ông Đào Văn Dậu, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: “Nhiều năm nay nguồn nước ngầm bị ô nhiễm không sử dụng được, người dân phải hứng nước mưa để sinh hoạt. Thấy bà con thường xuyên thiếu nước sạch để dùng mà công trình nước sạch lại bỏ hoang, chính quyền xã nhiều lần ý kiến lên cấp trên trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng được trả lời là tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn”.


Còn công trình nước sạch ở xã Gia Phong cũng bỏ hoang nhiều năm nay. Được xây dựng bên cánh đồng với diện tích hơn 100 m2, không có tường rào chắn nên người dân tận dụng các khu nhà bên trong làm chuồng nhốt trâu bò, chất rơm khô, củi khô và trồng rau.




Công trình nước sạch xã Gia Phong được đầu tư tiền tỷ và hiện đang là nơi nhốt bò lý tưởng của người dân
Công trình nước sạch xã Gia Phong được đầu tư tiền tỷ và hiện đang là nơi nhốt bò lý tưởng của người dân

Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Viễn cho biết: Tính đến thời điểm này huyện Gia Viễn còn 4 công trình nước sạch bỏ hoang ở các xã Gia Phương, Gia Sinh, Gia Minh, Gia Phong.


“Do dự án phân lũ, chậm lũ đã hết từ lâu là nguyên nguyên nhân dẫn tới việc công trình còn dang dở. Nhiều lần huyện cũng có ý kiến lên cấp trên mong muốn nhà máy đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho dân nhưng tỉnh không có ngân sách. Không biết khi nào người dân ở 4 xã trên mới có nước sạch sử dụng”, ông Tuấn cho biết thêm.



Phạm Quân



Công trình nước sạch vài tỷ biến thành nơi trồng chuối