Lỗ lũy kế của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tới hết tháng 6/2016 là 2.692 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được đặt ra trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, 3 năm hoạt động đầu tiên, nhà máy sẽ lỗ 47 triệu USD, tương đương 1.079 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, từ khi đi vào hoạt động (năm 2013) đến nay, Nhà máy Đạm Ninh Bình chỉ thấy lỗ và lỗ.
Báo Đầu tư dẫn báo cáo mới nhất của Đạm Ninh Bình thống kê, năm 2013, công ty lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ 456,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng lỗ của công ty từ khi đi vào hoạt động tới nay đã là 2.692 tỷ đồng.
Cũng thay vì chỉ lỗ 3 năm, như kế hoạch, thì nay đã bước sang năm hoạt động thứ 4 này, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vẫn đang lỗ và chưa biết bao giờ mới ngừng lỗ.
Tháng 8/2016, báo Tiền phong dẫn lời ông Nguyễn Đình Khang, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) cho biết, năm 2008 dự án vay Ngân hàng Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, tương đương 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm, thời hạn 15 năm.Với thực tế lỗ lũy kế lớn và tiêu thụ khó khăn, trong 7 tháng đầu năm 2016, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã phải thu hẹp sản xuất. Số ngày hoạt động trong 7 tháng mới chỉ là 76 ngày, chiếm 36% tổng quỹ thời gian. Đại diện công ty cho biết, việc sản xuất được duy trì ở mức phụ tải thấp, tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn nên dự kiến lỗ sẽ tiếp tục tăng, đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền và ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty.
Lý giải việc phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, ông Khang cho biết, trong các điều khoản cam kết với Eximbank Trung Quốc, Việt Nam phải sử dụng nhà thầu của họ. Và tại dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer được giao làm Tổng thầu EPC. Vị lãnh đạo này thừa nhận, dây chuyền của nhà máy sử dụng công nghệ châu Âu nhưng có một số thiết bị, máy móc gia công tại Trung Quốc.
Vinachem còn đứng ra vay các tổ chức tín dụng khác 4.300 tỷ đồng và 326 triệu USD để phục vụ cho dự án.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp gỡ khó khăn cho Đạm Ninh Bình.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành vốn góp Nhà nước tại Vinachem để giảm số nợ gốc và lãi vay.
Một biện pháp khác được tỉnh Ninh Bình kiến nghị là áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm ure tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và là nguyên nhân chính làm giá bán giảm dưới giá thành sản xuất.
Trước đó, trong văn bản gửi lên UBND tỉnh Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình kiến nghị hàng loạt giải pháp như đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, xem xét đưa phân bón ure vào đối tượng chịu thuế GTGT đầu ra với mức thuế suất 0%; điều chỉnh giá bán than giảm ít nhất 20% và cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Đạm Ninh Bình của VDB thành vốn góp Nhà nước tại Vinachem để giảm hệ số lãi vay…
Công ty cũng đề nghị Chính phủ xem xét cho giãn thời gian trả nợ tối thiểu 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn và cho phép áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm ure, trích dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư với khoản nợ vay có gốc ngoại tệ.
Minh Thái (Tổng hợp)
Lỗ vượt kế hoạch, Đạm Ninh Bình xin Chính phủ giải cứu